Bà bầu muốn giảm cân, có nên không?
Khi mang thai, các bà bầu cần phải tăng cân để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số trường hợp bà bầu thừa cân khi mang thai cần phải giảm cân để kiểm soát cân nặng, tránh ảnh hưởng đến thai nhi và những vấn đề sức khỏe khác.
1. Bà bầu muốn giảm cân có an toàn không?
Khi đang mang thai, các mẹ bầu tăng cân là điều đương nhiên vì cơ thể phải nuôi dưỡng thiên thần nhỏ đang lớn lên từng ngày. Nếu như bà bầu bị thừa cân trước khi mang thai thì trọng lượng tăng thêm này có thể gây ra sự mệt mỏi theo nhiều hướng khác nhau.
Thông thường, em bé cân nặng khoảng 3-3.5kg, nhau thai và nước ối sẽ chiếm thêm khoảng 1,5 kg. Kích thước vòng một tăng và tử cung mở rộng đồng nghĩa với việc các bộ phận này đang tăng lên khoảng 2kg. Lượng dịch lỏng trong cơ thể và máu có trọng lượng tới 4kg, trong khi chất béo và những chất dinh dưỡng khác chiếm khoảng 3kg. Vì vậy, tổng số cân nặng mà bà bầu tăng lên trong thời gian thai kỳ dao động từ 10-15kg.
Khi mang thai, bà bầu không được khuyến khích ăn kiêng hoặc giảm cân. Hiện tượng sụt cân trong 3 tháng đầu của thai kỳ do ốm nghén hoặc buồn nôn là hoàn toàn bình thường và bà bầu sẽ tăng cân trở lại hoặc thậm chí tăng nhiều hơn trong 2 kỳ tam cá nguyệt tiếp theo.
Theo nhiều nghiên cứu cho rằng bà bầu thừa cân khi mang thai cần giảm cân để giảm nguy cơ mắc một số biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường. Tuy nhiên, quá trình giảm cân cần được theo dõi bởi bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế.
2. Cách giảm cân an toàn cho bà bầu
Tình trạng thừa cân béo phì khi mang thai dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé, đồng thời có thể gây ra các biến chứng khi chuyển dạ và sinh nở. Tuy nhiên, việc bà bầu giảm cân quá nhanh lại gây tình trạng nguy hiểm. Đây chính là lý do vì sao bà bầu cần biết cách giảm cân khi mang thai mà không gây hại cho em bé, một số biện pháp giảm cân cho bà bầu như:
2.1. Tìm ra mức cân nặng phù hợp
Bà bầu muốn giảm cân an toàn thì cần phải biết được mức cân nặng phù hợp. Ngay cả khi thừa cân, một số trường hợp bà bầu vẫn sẽ tăng cân trong thời gian mang thai bởi lối suy nghĩ “ăn nhiều để bổ cho con” hoặc “bạn đang ăn cho hai người”. Do vậy, bà bầu nên kiểm tra cân nặng hiện tại, đi kèm với biểu đồ mang thai để tính toán số cân nặng bạn cần tăng hoặc giảm và kiểm soát mức cân nặng trong khoảng giới hạn bình thường.
Ngoài ra, bà bầu nên theo dõi cân nặng bằng cách cân vào cùng một thời điểm trong ngày và trên cùng một chiếc cân để có sự thống nhất. Một lưu ý nhỏ là không cân quá thường xuyên để hạn chế cảm giác căng thẳng và lo lắng không mong muốn.
2.2. Tính toán lượng calo cần hấp thu
Nếu bà bầu muốn giảm cân một cách an toàn thì cần phải tính toán cơ thể cần bao nhiêu calo mỗi ngày để bạn và em bé khỏe mạnh. Phụ nữ mang thai cần nạp năng lượng vào ít nhất 1.700 calo/ngày. Bằng cách theo dõi lượng thức ăn ra vào của mỗi bữa và tính toán một chút, bà bầu có thể biết nếu như đang ăn nhiều hơn những gì cơ thể cần.
2.3. Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày
Bà bầu tập thể dục ở mức độ vừa phải một cách thường xuyên là thói quen được khuyến khích trong thời gian mang thai. Điều này không chỉ giúp cho bà bầu có thể giảm cân nặng mà những cơn đau xảy ra do sự thay đổi của cơ thể cũng sẽ thuyên giảm. Các hình thức vận động dành cho bà bầu bao gồm đi bộ, tập yoga hoặc bơi lội,...
2.4. Uống nhiều nước
Khi mang thai việc bà bầu uống đủ nước là rất quan trọng, đặc biệt là khi bà bầu tập thể dục. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước (trên 2 lít nước/mỗi ngày) cũng khiến cho bà bầu cảm thấy no và ngăn ngừa việc ăn quá nhiều.
2.5. Bà bầu muốn giảm cân nên ăn vặt lành mạnh
Thay vì lựa chọn đồ ăn vặt như bánh kẹo thì mẹ bầu nên chuyển sang các lựa chọn lành mạnh hơn như trái cây, rau và rau mầm. Bà bầu cũng hãy ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì nguyên cám cùng với sữa ít béo. Hãy lựa chọn những thực phẩm có nguồn folate dồi dào, ví dụ như rau chân vịt và đậu, dâu tây. Để bắt đầu cho ngày mới và có đủ năng lượng cho một ngày dài, bà bầu nên ăn sáng đầy đủ thay vì chỉ ăn bữa sáng qua loa.
Dưới đây là danh sách gợi ý các loại thực phẩm mà bà bầu nên tránh để kiểm soát cân nặng khi mang thai:
- Thực phẩm có chứa thành phần đường hóa học và chất làm ngọt nhân tạo;
- Đồ uống và thực phẩm có chứa nhiều đường;
- Đồ ăn vặt như kẹo bánh, bánh quy, khoai tây chiên và kem. Thỉnh thoảng, bà bầu có thể ăn các món này nếu như cảm thấy quá thèm nhưng đừng biến việc này thành thói quen;
- Muối khiến cơ thể giữ nước làm tăng cân nặng. Vì vậy, bà bầu cần hạn chế việc nêm quá nhiều muối vào thực phẩm khi nấu hoặc không ăn các món quá mặn (khi đi ăn ở ngoài).
2.6. Chia ra nhiều bữa nhỏ
Nếu bà bầu đói nhưng không muốn ăn thì có thể thay đổi bữa ăn bằng cách ăn 6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn. Điều này có thể giúp cho bà bầu kiểm soát được lượng calo tiêu thụ trong mỗi bữa, đồng thời hạn chế được những khó chịu cho hệ tiêu hóa do bào thai đang phát triển bên trong gây ra, ví dụ như ợ nóng, khó tiêu,...
2.7. Bổ sung vitamin cho bà bầu
Bên cạnh bổ sung chất dinh dưỡng bằng thực phẩm, các bà bầu có thể bổ sung vitamin dưới dạng viên nén với sự tư vấn của bác sĩ. Những viên uống bổ sung này sẽ giúp cho bà bầu đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng mà không phải tiêu thụ thực phẩm hơn mức cần thiết.
3. Tác động của việc bà bầu giảm cân đối với thai nhi
Giảm cân quá mức có thể gây phản tác dụng và tác động tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tình trạng giảm cân không lành mạnh thường xảy ra khi bà bầu mới mang thai cho đến cuối tam cá nguyệt thứ nhất, chủ yếu là do ốm nghén. Việc giảm cân không đúng cách khi mang thai có thể gây ra một số vấn đề như:
- Lượng nước ối thấp;
- Kích thước của trẻ sơ sinh dưới tiêu chuẩn;
- Chức năng nhận thức phát triển kém ở trẻ sơ sinh;
- Trẻ sơ sinh khi đẻ ra nhẹ cân do thiếu dinh dưỡng;
- Tăng khả năng sảy thai trong 3 tháng đầu có liên quan đến chán ăn, bà bầu đói nhưng không muốn ăn;
- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và dễ bị nhiễm trùng thai kỳ.
Tóm lại, thừa cân khi mang thai hoặc tăng cân quá nhanh khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường,... Vì vậy, khi thấy cân nặng tăng bất thường bà bầu cần phải giảm cân và kiểm soát cân nặng hợp lý để phòng ngừa những vấn đề về sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Xem thêm